top of page
  • Black Facebook Icon
  • Black Instagram Icon

Viết về cuốn sách “Khuyến học” - Fukuzawa Yukichi

Writer's picture: Hydrangea11Hydrangea11

Bài viết: 4/10/2021

Thế là cuối cùng cũng đọc xong “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi. Năm 2018 mình đọc quyển sách này trong bệnh viện. Tuy nhiên thời điểm đó do một vài yếu tố như: còn quá trẻ, điều kiện đọc sách trong bệnh viện có phần éo le thành thử sách thì đã đọc mà đọng lại chẳng là bao. Đến nay đã là mùa thu năm 2021, đọc lại để hiểu những chỉ giáo của một người vĩ đại đến từ Nhật Bản mới thấy nảy ra nhiều suy nghĩ mà khi xưa mình cứ đọc rồi lại như không. Thôi thì phải học cách bỏ cái thói “lý thuyết suông” nay là thời đại của “học đi đôi với hành” lên ngôi.

Đầu tiên phải nói những triết lý chứa đựng trong sách quả là có phần khá cũ so với hiện tại nhưng tính ứng dụng của nó thì còn mãi. Và có những triết lý đến cả người viết còn chưa khám phá ra nên có thể nói đây là cuốn sách mang tính thời đại là thế. Nó lại được mình đọc khi đang là sinh viên quá đúng với đối tượng mà tác giả muốn nhắm đến. Mặt khác tác giả muốn tranh luận với các sinh viên như ông đã từng nói đến trong cuốn sách này.

Ông Yukichi trích lại một câu mà mình thấy thật sâu sắc rằng: “ Trời không tạo ra người đứng trên người cũng không tạo ra người đứng dưới người”. Rồi ông còn không quên nêu lên quan điểm “ có khác nhau là do năng lực của con người”. Quả đúng là như thế! Từ khi sinh ra là một em bé con người về cơ bản là đều có những điểm xuất phát điểm giống nhau. Tất nhiên là mình đang nói trong bối cảnh không có tác động bởi môi trường hoặc những đứa trẻ khuyết thiếu về mặt nào đó chẳng hạn. Mình muốn nhấn mạnh là còn rất nhiều đứa bé được sinh ra và cứ thế lớn lên từ đó hình thành tính cách thái độ với cuộc sống. Nhưng tất nhiên hai đứa bé đó đến một thời điểm sẽ nhận thức được những điều khác biệt trong cả hai nhất là về mặt năng lực. Tóm lại nếu con người cần cù, chịu khó trong việc tiếp thu kiến thức và nỗ lực vì mục đích nào đó cụ thể thì sẽ tạo ra những con người bằng nhau về cấp độ tức là vị trí đứng của hai người này là song song. Cùng nghĩa đó người ta mới có câu “mây tầng nào gặp mây tầng đó”. Đúng vậy! Nếu bạn không cố gắng nỗ lực người bạn muốn gặp vẫn ở trên bạn một bậc mà thôi.

Lại có một triết lý khác được ông nêu ra như “Luật nước hà khắc hay quảng đại hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ, phẩm cách quốc dân”. Thật ra, pháp luật cũng chính là từ mọi hoạt động của chúng ta tạo ra. Đơn cử nếu như ai cũng đi đúng phần đường, không làm những hành động nguy hiểm tới tính mạng cá nhân thì ắt sẽ không có luật giao thông rồi. Cũng có thể suy rộng ra thành vấn đề niềm tin, nếu bạn không hay nói dối thì kiểu gì bố mẹ bạn cũng sẽ cho bạn thoải mái đi chơi và hoàn toàn tin những lời bạn nói. Hành động thực chất là vô hình nhưng mỗi một lựa chọn hành động đã tạo ra những kết quả hoàn khác nhau. Chúng ta hãy thúc đẩy những hành động tích cực mỗi ngày để có thể ngày một tiến bộ hơn.

Mình còn ấn tượng cách diễn đạt về văn minh của ông rằng: “Văn minh của một quốc gia không phải do chính phủ sáng tạo từ trên xuống và cũng không phải do thường dân làm được từ dưới lên. Văn minh của quốc gia phải do tầng lớp giữa - giai cấp trung lưu - có tri thức, có kiến thức, động não trước thời cuộc , suy nghĩ hợp lòng dân thực hiện”. Nếu theo phương thức này thì mỗi người sinh viên như chúng ta chính là một ví dụ có thể tạo ra văn minh. Bởi những người này có tri thức, kiến thức và gần gũi với những người dân kham khổ. Họ từng là người như thế và sự tiếp xúc cũng ít khoảng cách hơn. Nhưng theo cách nghĩ của mình có lẽ cũng cần phải có một sự hài hòa nhất định ở người trên vạch ra phương hướng từ cái hiểu ý dân chúng để đưa ra những quyết định đúng đắn. Còn dân chúng cũng phải hiểu ý người trên và sẵn sàng hợp tác vì một mục tiêu lớn hơn. Được như thế tầng lớp trung gian mới đơn giản dần đi và tầng lớp trên cũng trở nên gần gũi hơn với dân chúng. Điều này thì cũng mới xuất phát từ ý kiến chủ quan qua quan điểm của quyển sách vẫn mong nhận được những ý kiến phản biện hợp lý?

Mình rất thích cách lập luận của ông về những điều hiển nhiên như: “Học tập chăm chỉ là lẽ đương nhiên của con người, chứ đâu đến mức phải khen ngợi”. Đó hóa ra là một việc rất đỗi bình thường nhưng ta lại cứ nghĩ nó phi thường. Nên mới sinh ra thói mới chăm chỉ tí là kiêu ngạo, đạt được thành quả lại khoe khoang. Nếu điều này rộng rãi hơn có nghĩa chúng ta đang chỉ sống bên cạnh những người lười nhác nên mới thấy mình nổi bật hơn tất thảy và tưởng đó là thành công vang dội. À! Thì ra cuối cùng là do bạn chưa đến được nơi khác có những người làm việc không ngừng nghỉ, ngày đêm nỗ lực cố gắng, hóa ra bạn cũng chỉ là một hạt cát giữa sa mạc mà vẫn cứ tưởng mình là phi thường.

Nguồn ảnh: https://ghiensach.com/khuyen-hoc/

Cuốn sách quả đã thức tỉnh một đứa như mình. Cảm ơn vì ngày đó mình đã chọn mua cuốn sách này. Hy vọng lần tiếp theo đọc lại cuốn sách khi sự đời đủ rộng nhưng vẫn không quên con đường mà mình đã trao niềm tin khao khát đến cùng. Trân trọng.


5 views0 comments

Comentários


JOIN MY MAILING LIST

Thanks for submitting!

© 2023 by Lovely Little Things. Proudly created with Wix.com

  • Instagram
  • Facebook
bottom of page