Viết lại những dòng này sau khi đọc xong cuốn sách “Cảm ơn người lớn” của Nguyễn Nhật Ánh.
Cuốn sách là những dòng hồi tưởng lại của Nguyễn Nhật Ánh và viết tiếp cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Cuốn sách tái hiện lại trò trẻ con của những đứa trẻ: cu Mùi, Hải Cò, con Tủn, và con Tí Sún. Bốn đứa trẻ ấy đã có một tuổi thơ sôi động, ngây thơ như thế. Với biết bao trò trẻ con:tập bay, phép làm vua và vẽ bản đồ, viết truyện. Chúng luôn rất hồn nhiên, nó gợi cho ta đầy nỗi nhớ về tuổi trẻ. Những suy nghĩ của trẻ con thật hồn nhiên biết mấy. Chúng! Những đứa trẻ mỗi đứa có một nét tính cách riêng nhưng lại tạo nên sự hòa hợp của nhau. Dù mới 8 tuổi và còn ngây thơ nhưng chúng đã biết nghĩ : “Mình là bạn của nhau mà!”. Riêng điều này tôi thấy nó còn hơn cả những người lớn. Một khi lớn lên chúng ta đôi khi không còn coi trong cái gọi là tình bạn và sẵn sàng đấu đá lẫn nhau. Trẻ con cũng tốt bụng biết mấy, chúng cho đi hồn nhiên khi bán truyện và cho tiền cho thằng Hiệp chứ không như người lớn, nào có ai cho không ai thứ gì. Đa số người lớn lại cho đi trong điều kiện và toan tính. Giá có thể như những đứa trẻ vô tư và hồn nhiên không màng sự đời, đắm chìm trong những câu chuyện thuở bé.Khi nhỏ ta ước mơ và cố gắng sống như người lớn. Càng lớn ta càng thấy thế giới của người lớn đáng sợ đến mức nào nhưng ta nào có thể dừng lại điều đó chúng ta vẫn phải lớn và già đi. Đó đã là quy luật của tạo hóa.
Từ những sự hồn nhiên của tuổi trẻ ấy chúng đã vẽ bản đồ và mở ra những khung trời của người lớn. Cũng như con người chỉ khi hòa vào biển lớn ta mới biết biển rộng bao nhiêu và biển có bao nhiêu con sóng, bao nhiêu điều thú vị. Từ những con sóng và đôi khi cũng có thể là sóng thần ấy ta mới không còn hồn nhiên nữa. Những đứa trẻ ấy cũng vậy, từ tấm bản đồ đã tìm thấy con Lý với cuộc rượt đuổi của bố mẹ. Và thằng Hiệp với câu chuyện gia đình tang thương. Qua những câu chuyện tưởng chừng như sẽ đưa đến phần lồi lõm của đạo đức lại thấp thoáng những suy nghĩ về người lớn. Người lớn cũng có những nỗi niềm cần chôn chặt trong mồ quá khứ. Người lớn đôi khi “Kì lạ” có lúc lại “dễ thương”. Và hơn hết người lớn cũng rất hồn nhiên nên mới nhắm mắt sinh ra những đứa trẻ hồn nhiên như vậy.
Phần mà tôi thích nhất trong tập này có lẽ là “Bạo chúa thời gian” thời gian trôi nhanh đến mức cũng có ngày con Tủn phải thừa nhận đã từng thích cu Mùi, cũng như cu Mùi đã từng thích bé Tủn vậy. Nhưng bởi thời gian là bạo chúa nên đến lúc ấy thì cũng đã quá muộn. Nên ta hãy bắt tay vào điều ta muốn ngay bây giờ để “bạo chúa” không bao giờ ăn mòn được nó. Và tôi cũng thích câu chuyện “cọp và dê” cọp tưởng chừng như là đối đầu với dê nhưng trong câu chuyện cọp và dê lại cùng một hướng nhìn về. Như ta và địch vậy. Chúng ta không nên ghét ai quá mức vì sẽ có một ngày số phận sắp đặt ta chung thuyền với họ đấy.
Và cứ thế cuốn sách đã khép lại chỉ còn trong người đọc những hồi tưởng về tuổi trẻ và suy nghĩ về tương lai cứ đan chéo vào nhau từng ít một.
-Hydrangea-
![](https://static.wixstatic.com/media/3ca297_c3a321c6e5f04d24b341dbf2edb36a1e~mv2.jpg/v1/fill/w_287,h_383,al_c,q_80,enc_auto/3ca297_c3a321c6e5f04d24b341dbf2edb36a1e~mv2.jpg)
Nguồn ảnh : Internet
Comments