#Thực tế 6-10/9/2022
Địa điểm gây cho tôi nhiều thương nhớ nhất trong chuyến đi này có lẽ là chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ bởi đó là một trải nghiệm mới lạ và đáng nhớ. Nếu hỏi tại sao lại lấy tên là Cái Răng? thì có rất nhiều tài liệu nghiên cứu liên quan đến cái tên địa danh này. Lời giải thích phù hợp nhất có lẽ là vì nơi này là địa bàn cư trú của ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa cùng sinh sống. Theo lẽ thường thì mỗi địa danh thường đặt tên theo lịch sử, văn hóa và tiếng nói của dân tộc ấy. Cái Răng được bắt nguồn từ chữ "karan" nghĩa là "cà ràng (ông táo) theo tiếng Khmer. Cà ràng là một công cụ thường được sử dụng hàng ngày trong cuộc sống của người dân bởi nó giống như một cái ấm đun nước. Với sự tiện lợi của chiếc ấm này nó được người Khmer lúc đó sản xuất rất nhiều cùng với nồi đất rồi đem đi trao đổi, buôn bán ở nhiều nơi. Do Cần Thơ vốn là một mảnh đất phát triển được coi là thủ phủ của miền Tây nên karan cũng được đưa đến đây buôn bán đặc biệt là trên những chợ nổi. Từ đó karan ngày càng được chở đến bán ở chợ nổi này càng nhiều. Về sau người ta quen gọi khu chợ này là Karan, lâu dần karan bị cải biến thành Cái Răng như tên chúng ta hay gọi ngày nay cho thuận miệng. Quả không ngẫu nhiên mà Tạp chí Rough Guide của Vương quốc Anh vừa bầu chọn Chợ nổi Cái Răng là một trong mười khu chợ ấn tượng nhất thế giới. Đến đây vào lúc 4-5 giờ sáng đó là thời điểm phù hợp nhất để bạn trải nghiệm văn hóa sông nước của khu chợ đặc biệt này. Ngày xưa chợ chỉ bán những trái cây, hoa quả nhưng ngày nay hàng hóa đã được đa dạng hơn có cả hàng tiêu dùng. Chắc hẳn ai cũng sẽ tự hỏi với cái lúc trời còn chưa sáng hẳn thì người mua sẽ phân biệt được loại hàng hóa mà lái buôn bán bằng cách nào. Nó lại là một chiêu thức marketing cực kỳ thú vị mà người dân miền sông nước đã sáng tạo ra. Họ treo loại hàng hóa họ bán trên chiếc sào ở trước mũi ghe mà người dân hay gọi nó là cây bẹo để cho người mua phân biệt được loại hàng cần mua. Nói về cây bẹo này có rất nhiều cách để phân biệt thông điệp mà người mua muốn gửi đến bạn. Loại thứ nhất đó chính là “Treo gì bán nấy” cái này thể hiện ở việc treo những loại trái cây để chào hàng khách mua dễ dàng. Thứ hai là “treo mà không bán” dùng để treo quần áo của những cư dân thương hồ, nay đây mai đó, họ xuôi mãi theo những chiếc ghe về muôn phương, những chiếc ghe như tổ ấm thực sự của họ. Bạn sẽ bắt gặp tivi, vật nuôi, đầu đĩa hay cả xe máy ở những chiếc ghe này. Mới thấy khâm phục những người xuôi theo dòng nước để nuôi nấng bao thế hệ. Bức tranh sông nước như sống động hơn và đẹp đến lạ thường. Loại thứ ba chính là “không treo mà bán” chỉ những chiếc xuồng nhỏ chen vào sát mạn thuyền của người mua để bán những hàng ăn sáng, những chiếc bánh buổi sáng cho khách du lịch phương xa. Thứ tư là “ treo cái này nhưng bán cái khác” hay còn gọi là “bẹo lá bán ghe” những chiếc ghe này thường được treo tàu lá dừa hay một tấm lá lợp nhà. Những chiếc ghe này để chỉ người thương dân muốn bán chính chiếc ghe của mình đi. Bởi vì theo văn hóa miền sông nước lá dừa thường là công cụ dùng để lợp nhà vì vậy rao bán lá này chính là muốn bán đi chiếc ghe từng là tổ ấm của họ. Thực sự bức tranh sông nước Cái Răng hữu tình, tấp nập và sôi động như vậy nhưng cũng chứa bao sự kiên cường của người dân nơi sông nước là nhà. Khi đến đây tôi thực sự bất ngờ với cuộc sống không khác gì trên đất liền của họ. Chuyến đi đã kết thúc nhưng nếu có cơ hội một lần nào đó đến với Cái Răng nữa xin gửi nhiều thời gian hơn để vừa thưởng thức một tô hủ tiếu nóng hổi vừa nhìn ngắm bình minh sớm mai, vừa nghe âm thanh náo nhiệt của buổi họp chợ để rồi ta bất giác nhận ra cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp như thế. Cho nhau cái hẹn nhé Cần Thơ!
-Ajisai trên từng chuyến đi-
Reference:
1.”Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ - Trải nghiệm độc đáo tại miền Tây sông nước”
Truy cập ngày 21/09/2022.
2.”Cái Răng - Chợ Nổi Văn Hoá Sông Nước”. Travel blog. Truy cập ngày 20/9/2022.
3. “Cái Răng Floating Market named cultural site”. Vietnamnews. Truy cập ngày 22/9/2022.
cre picture by me.
Comments