Bạn có bao giờ sợ tuổi già không?
Khi còn trẻ chúng ta cực kỳ sợ tuổi già, chúng ta thường sống với những châm ngôn như hãy sống hết mình với thanh xuân, tuổi trẻ chỉ đến có một lần đừng phí hoài nó. Chúng ta làm nhiều thứ để níu lại nét trẻ trung trên khuôn mặt của mình. Đấy là lúc trẻ, tất nhiên rồi ai cũng sợ thời gian ở thế giới này sẽ ngày một ít đi. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi liệu người già thực thụ ý tầm 70-100 tuổi họ có sự già không nhỉ? Có lần mình cũng hỏi bà ngoại mình như thế. Bà nói rằng “có chứ! trước đó tao cũng sợ lắm, nhưng giờ tao thấy nhẹ nhõm rồi, ai rồi cũng phải ra đi, tao thấy con cháu hạnh phúc, vui vầy là được”. Bà nói thế chứ bà vẫn lo nhất cho tôi đấy, bà lo tôi không có chồng và bà mong có thể dự lễ cưới của tôi. Điều này thì tui sợ sẽ làm bà thất vọng vì chuyện tình cảm tui thực sự rất lận đận và không có kinh nghiệm tuy dù đã 23 tuổi.
Từ lâu, tôi đã coi bà ngoại như người mẹ thứ hai của mình. Từ những ổ bánh mì Sài Gòn lúc còn nhỏ, tôi về ngoại là bà sẽ đón xe bán bánh mì và mua cho tui. Ngày ấy vì ông nội tôi có một số chứng tâm thần nên tui thường sẽ về nhà ngoại tá túc. Tôi hầu như ở nhà ngoại còn nhiều hơn cả nhà tôi. Bà hay đưa tôi đi trâu đi ruộng, lên hái chè và chơi cùng các dì, các anh. Tuổi thơ của tôi cũng có trượt lá dừa, đi tắm sông với bà, bắt chuồn chuồn, châu chấu như ai đó. Tuổi thơ ấy cũng thật tuyệt khi có thêm cả bà ngoại. Phải nói thêm là cũng có thêm một khoảng thời gian ngắn có cả ông ngoại nữa. Nếu bà tôi có hơi ương bướng kiểu con gái đó, thì ông tôi là một người hiền hậu, tài năng, cực kỳ chiều bà ngoại tui đó. Tôi cũng tự nghĩ rất nhiều lần nếu bây giờ ông còn thì tốt quá. Tôi có thể học Khắp, và đặc biệt là học chữ Thái từ ông. Ông tôi là một người rất giỏi chữ Thái và Lào, đến giờ vẫn còn để lại nhiều cuốn sách về Sừ Thái với dòng chữ “để lại muôn đời cho con cháu mai sau”. Ông ngoại là một người kiệt xuất, tham gia chiến tranh và từng là chủ tịch xã. Tôi thực sự quý ông rất nhiều, lúc nhỏ ông cùng tôi đi bắt ốc lúc đó tôi đứng trên bờ mới 3 tuổi tôi vẫn nhớ ông nói “Lớn lên mày đi bắt ốc cho ông ăn với nhé!” Tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt phúc hậu và điệu cười thật hiền của ông ngoại. Ấy vậy mà sóng gió lại đến, năm tôi 4 tuổi vào một ngày tôi bỗng thấy mẹ khóc bên cửa sổ, tôi còn nhỏ chẳng hiểu có chuyện gì nhưng nó cứ in hằn vào sâu tâm trí tôi hình ảnh tôi thấy mọi người chuẩn bị quan tài, mẹ tôi khóc rất nhiều bên cửa sổ và người thân bảo tôi đừng quấy để mẹ tôi khóc. Lúc ấy tôi chẳng hiểu chuyện gì xảy ra mà không khí ảm đạm đến vậy. Chi biết sau ngày ấy tôi chẳng bao giờ gặp lại ông ngoại nữa. Ông đã mãi mãi rời xa thế giới này, bỏ lại dì tôi với việc học đại học dang dở, bỏ lại bà tôi với trách nhiệm trên vai. Từ ngày ông tôi đi, bà tôi đã thực sự rất vất vả, tuy tôi có bác trai nhưng ngày ấy bác gái lại khó sinh phải sinh đến lượt thứ bảy mới có được một bé trai. Dì tôi ngày ấy mới sắp vào đại học mà ông lại mất nên nhà cực kỳ khó khăn, và nhiều nợ. Mình bà ngoại tôi chạy đôn chạy đáo đưa dì tôi đi nhập học, lo tiền bạc cho dì tôi đi học. Tôi thấy bà tôi là một người cực kỳ dũng cảm và mạnh mẽ. Một mình bà đã lo cho dì tôi học hết đại học sư phạm những năm đó quả là không mấy dễ dàng.
Bà ngoại là một người hướng ngoại toàn diện, đi đâu bà cũng có bạn hết ấy. Mà không phải là bạn bình thường nha, bạn bà còn gửi quà cáp nhiều lắm đó. Bà cực kỳ ngoại giao giỏi, biết tiếng Mường và có thể khắp cả Thái cả Mường. Bà cũng rất tích cực luôn ấy, bà đã dạy tôi nhiều cách đối nhân xử thế lúc tôi còn nhỏ. Bà rất thương tôi, trong năm đứa cháu của bà thì tôi là một trong những đứa cháu bà yêu thương nhất đó. Có những ngày bà nằm ôm tôi rồi âu yếm một đứa 23 tuổi như một đứa trẻ. Bà cứ nằm rồi vừa ôm vừa nói vào tai tôi “cục vàng của bà” như kiểu tôi còn 3 tuổi vậy đó. hehe… Có lẽ bởi tôi là người được ở lâu nhất cùng bà, cùng bà qua những giai đoạn khó khăn nhất đời người, ông ngoại tôi mất, lần đầu tiên tôi thấy bà khóc là khi tôi học cấp 1 hay cấp 2 gì đó tôi không còn nhớ rõ. Nhưng vào một ngày tự nhiên tôi thấy bà cãi nhau với bác gái và bà út, họ cãi nhau rất to mà tôi không biết chuyện gì xảy ra. Xong tôi thấy cãi nhau sợ quá bà bảo tôi xuống coi trâu ở dưới rừng cọ trước. Tôi không biết chuyện gì xảy ra đến lúc lớn mới biết ngày đó bà bị vu oan là ngoại tình với một ông trong làng. Sau nghe kể còn họp gia đình mới giải quyết hết. Chỉ là tôi thấy bà khóc rất nhiều khi quay trở lại với tôi lúc đó. Tôi không biết an ủi thế nào chỉ biết ngồi nhìn bà khóc lúc đó. Còn lần thứ hai tôi thấy bà ngấn lệ là vài ngày trước đây, bà tôi có tuổi rùi, năm nay 71 nên bà có những dấu hiệu tâm lý rất khác hay tủi thân đó, với cả bà là một người rất thích nói chuyện nhưng lại có dấu hiệu bị điếc mấy năm trở lại đây. Có lúc bà nghe câu được câu mất nên một người hướng ngoại như bài thực sự là khó khăn. Bà thấy bất lực về bản thân và tự trách mình rất nhiều. Nên mấy ngày trước bà đã khóc, thật sự tuổi già là vậy đó lấy đi mọi sự khôn ngoan, tinh tường lúc ta còn trẻ. Tôi xót xa khi thấy hình ảnh ấy, chỉ mong có tiền mua cho bà cái máy trợ thính chắc bà sẽ đỡ tủi hơn.
Vậy đó, tuổi già sẽ đến một cách bất chợt không biết như thế nào? Tôi cũng nhìn thấy dấu hiệu tuổi tác của bố mẹ, các bà các ông. Bố tôi hay bảo tôi hay là về nhà làm việc cho gần con ạ. Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều nhưng vẫn muốn có nhiều cơ hội trải nghiệm ở Hà Nội trước với những mục tiêu của mình. Chắc phải sau 30 tuổi tôi mới trở về được. Tôi đã tính vậy nhưng vẫn cố gắng về nhà những ngày có thể vì một lần về nhà gặp bố mẹ là sẽ ít đi một lần đó. Thời gian chúng ta ở bên người thân kiếp này không còn nhiều nữa rồi. Lúc nào cũng phải rặn bản thân không được lười biếng để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ, nhưng nhiều khi vẫn thích ngủ một chút, vẫn thích thoải mái một chút. Phải cố gắng hơn nữa vì những người thân yêu của mình thui. Tú ơi! gắng hơn nữa nha. Chỉ mong những người thân của mình luôn mạnh khỏe, sống vui tươi để nhìn thấy những thành công của mình hơn nữa. Mình yêu họ rất nhiều.
![](https://static.wixstatic.com/media/3ca297_fc751197fb114dcdb29ad5bd873510e0~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_1307,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/3ca297_fc751197fb114dcdb29ad5bd873510e0~mv2.jpg)
Comments